Lịch sử khí tượng Bão_Rammasun_(2014)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Vào tối ngày 8 tháng 7, sóng nhiệt đới bắt nguồn từ Vùng hội tụ giữa hai chí tuyến (ITCZ) gần Xích đạo đã hình thành nên một nhiễu động nhiệt đới ở phía đông nhóm đảo Chuuk. Trong đêm, nó trôi dạt từ từ theo hướng tây bắc, nơi có điều kiện môi trường thuận lợi với đối lưu mạnh và nước biển ấm,[4] rồi bắt đầu mạnh lên thành một vùng thấp giống như cách mà cơn bão Neoguri trước đó đã áp dụng để tăng cường độ.[5] Khoảng một ngày sau, các hình ảnh vệ tinh phát hiện tâm vùng thấp của đối lưu đang được củng cố dần, với sức gió ở mức 25 kn (46 km/h; 29 mph). Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) nhanh chóng đưa ra cảnh báo về sự hình thành xoáy thuận nhiệt đới, trong khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) phân loại nó như một áp thấp nhiệt đới yếu. Ngày 10 tháng 7, JTWC nâng cấp vùng thấp lên thành áp thấp nhiệt đới và định danh nó là 09W.[6] Tối hôm đó, JMA xác nhận áp thấp nhiệt đới đã đạt đến sức gió 25 kn (46 km/h; 29 mph) trong một giờ.[7]. Sáng sớm ngày 11 tháng 7, tâm áp thấp nhiệt đới tiếp tục xoáy sâu thêm, điều này khiến JTWC nâng cấp áp thấp nhiệt đới lên thành bão nhiệt đới,[8][9] và ra tín hiệu cảnh báo bão nhiệt đới đối với Guam[10] sau khi vệ tinh NASA quan sát được cơn bão chuyển hướng trực tiếp vào hòn đảo này.[11] Tuy nhiên, đến tối hôm đó, JTWC đã hạ 09W xuống thành áp thấp nhiệt đới trở lại, vì phân tích Dvorak cho thấy nó chưa đủ cường độ của bão nhiệt đới.[12] Áp thấp nhiệt đới qua khỏi Guam vào ngày 12 tháng 7, đi vào vùng thời tiết thuận lợi với gió đứt tầng thấp theo phương đứng và nhiệt độ trung bình của bề mặt nước biển cao.[13] Đến cuối ngày, JMA nâng cấp áp thấp nhiệt đới lên thành bão nhiệt đới và trao cho nó cái tên Rammasun (tiếng Thái: รามสูร) mang số hiệu 1409.[14][15] Di chuyển nhanh về phía tây với tốc độ 15 kn (28 km/h; 17 mph), vòng mây đối lưu của bão ngày càng dày thêm. Vệ tinh quan sát được những dòng thổi ra yếu và gió đứt tầng từ mức thấp đến trung bình, khiến JTWC một lần nữa ra cảnh báo bão nhiệt đới với mây cuộn xoáy ở vùng trung tâm.[16]

Vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương ngày 13 tháng 7, Đài quan sát Hồng Kông (HKO) bắt đầu theo dõi Rammasun và phân loại nó thành bão nhiệt đới. Đến tối, Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đặt cho cơn bão cái tên địa phương Glenda do nó đã đi vào Khu vực thẩm quyền Philippines.[17] Cơn bão tạo nên mối đe dọa to lớn cho đảo Luzon của quốc gia này, bởi vì nó được dự báo sẽ mạnh lên thành bão cuồng phong trước khi đổ bộ lên đó.[18] Rammasun vẫn duy trì cường độ cũ trong khi đối lưu sâu ở trung tâm nở bung ra và khiến cho mắt bão dần hình thành.[19] Vài giờ sau, gió đứt tầng theo phương đứng giảm dần. Cơn bão hướng thẳng về phía tây dọc theo ngoại vi của một vĩ độ ngựa. Dòng thổi trở nên mạnh hơn, đặc biệt là ở góc phía tây nam.[20] Tâm đối lưu tiếp tục đào sâu, nở rộng và được các vòng mây cong bao bọc chặt. JMA nâng Rammasun lên thành bão nhiệt đới dữ dội vào nửa đêm,[21] vài giờ sau đến lượt HKO và Cục Thời tiết Trung ương Đài Loan (CWB) cũng xác định cơn bão ở cấp độ tương tự. Phân tích Dvorak từ tất cả cơ quan thời tiết chỉ rõ sức gió tối thiểu của Rammasun ở 65 kn (120 km/h; 75 mph), như vậy nó đã trở thành một cơn bão cuồng phong theo thang của JTWC vào lúc 09:00 UTC ngày 14 tháng 7.[22] Đến trưa, lần lượt CWB, HKO và JMA nâng Rammasun lên thành bão cuồng phong.[23] Rammasun lộ rõ mắt bão một cách bất thường vào khoảng 15:00 UTC. Trái với những dự báo ban đầu về hướng di chuyển tây tây bắc, cơn bão lại đổi đường đi sang tây tây nam ở vận tốc 10 kn (19 km/h; 12 mph). Do thời tiết thuận lợi, sức gió của cơn bão theo báo cáo dường như đã tăng lên đến 77 kn (143 km/h; 89 mph) duy trì liên tục trong một phút, với áp suất hạ còn 980 hPa (29 inHg),[24] lúc này đĩa mây bão đã tiến sát đến vùng bờ biển phía đông các tỉnh miền Trung Philippines.

Ảnh động vệ tinh qua ống kính hồng ngoại của bão Rammasun khi đổ bộ Phillipines vào ngày 15 tháng 7.

Sáng ngày 15 tháng 7, mắt của Rammasun đã nở rộng đến 10 nmi (19 km; 12 dặm) cùng một dòng thổi cực mạnh hướng về phía Xích đạo và phía tây. Vào thời điểm đó, sức gió của bão đạt 80 kn (150 km/h; 92 mph) duy trì trong một phút[25] và 75 kn (139 km/h; 86 mph) trong mười phút.[26] Rammasun ban đầu được dự báo là sẽ giữ nguyên cường độ đó mà đổ bộ rồi suy yếu thành bão nhiệt đới do tiếp xúc với đất liền, nhưng thực tế là nó lại tiếp tục mạnh lên. Trong sáu giờ tiếp theo, JTWC quan trắc trực tiếp mắt bão lần đầu tiên và ghi nhận con số 20 nmi (37 km; 23 dặm), gấp đôi đường kính trong báo cáo trước đó. Vận tốc gió tối đa 100 kn (190 km/h; 120 mph) khiến nó được tăng cấp lên thành bão cuồng phong cấp 3 theo thang SSHS.[27] Đến khoảng 17:00 PST, Rammasun đổ bộ lên bờ biển Rapu-Rapu, Albay ở phía nam đảo chính Luzon với áp suất 959 hPa (28,3 inHg), gây mưa to dữ dội và gió giật mạnh cho toàn khu vực xung quanh.[28] Khi vào đất liền, tốc độ gió của cơn bão tiếp tục tăng vì nó rơi đúng vào một môi trường rất thuận lợi. Các báo cáo ban đầu của JTWC chỉ ra con số 110 kn (200 km/h; 130 mph) duy trì trong một phút,[29] rồi sau đó chỉnh lại thành 115 kn (213 km/h; 132 mph), tức là tương đương với bão cuồng phong cấp 4[30] sau khi đánh vào thành phố Tabaco của Albay. JTWC dự báo Rammasun sẽ được tăng cường sau khi vượt qua Philippines và đi vào Biển Đông, nơi nó hấp thu nhiệt độ của các dòng biển ấm.[29]

Rạng sáng ngày 16 tháng 7, tâm bão Rammasun đã nằm trên Biển Đông, đi vào phạm vi theo dõi của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam (NCHMF) và được cơ quan này gọi là cơn bão số 2.[31] Cơn bão sau đó đánh vào Catanauan, Quezon của Philippines một lần nữa. Mắt của nó bị xóa mờ do chịu ảnh hưởng từ địa hình mặt đất gồ ghề của Philippines, cấu trúc đĩa mây cũng bị xuống cấp. Tuy nhiên các vòng mây cong vẫn quấn quanh tâm vùng thấp của đối lưu rất chặt.[32] Đến chiều, JTWC hạ Rammasun xuống còn bão cuồng phong cấp 1. Sáng ngày 17 tháng 7, Rammasun tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc với tốc độ không đổi, tiến sâu thêm vào Bắc Biển Đông. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, cơn bão đã mạnh trở lại, áp suất tâm ngày càng giảm. JTWC nâng Rammasun lên thành bão cuồng phong cấp 2, nhưng lại giảm xuống trở lại cấp 1 vào buổi chiều. Lúc 18:45 CST, HKO nâng Rammasun lên thành bão cuồng phong dữ dội theo thang của họ, lúc này bão đã tiến đến gần đặc khu. Cơn bão có dấu hiệu mạnh lên, khiến JTWC tiếp tục đưa nó lên bão cuồng phong cấp 2 vào buổi tối. Rạng sáng ngày 18 tháng 7, JTWC nâng Rammasun lên thành bão cuồng phong cấp 4 lần thứ hai,[33] đây là một trong số ít những cơn bão được nâng lên mức bốn ngay trong Biển Đông, lần gần nhất là trường hợp của bão Vicente năm 2012. Tiếp đến, cơ quan này nâng nó lên thành siêu bão cuồng phong cấp 5 khi sức gió ở vùng tâm bão đã lên đến 52 m/s với áp suất tối thiểu 935 hPa (27,6 inHg), cũng là siêu bão thứ hai trong mùa sau Neoguri. HKO cũng nâng Rammasun lên thành siêu bão vào lúc 5:45 CST. Cơn bão vẫn tiếp tục tăng cường độ lên mãi cho đến chiều tối, khi nó đi qua eo biển Quỳnh Châu và tiếp xúc với mũi cực bắc của đảo Hải Nam, thuộc địa phận huyện Văn Xương, cũng là lúc đạt đến giới hạn cao nhất. Lát sau, Rammasun quét qua dải đất ven biển của huyện Từ Văn thuộc tỉnh Quảng Đông, cưỡi sóng Vịnh Bắc Bộ hướng về miền Bắc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão_Rammasun_(2014) http://cnews.chinadaily.com.cn/2014-07/16/content_... http://news.sina.com.cn/o/2014-07-16/145030529526.... http://news.sina.com.cn/o/2014-07-17/134530535254.... http://weather.news.sina.com.cn/news/2014/0716/104... http://www.gd.weather.com.cn/syxw/07/2156335.shtml http://www.gd.weather.com.cn/syxw/07/2157209.shtml http://www.cma.gov.cn/2011xwzx/2011xqxxw/2011xqxyw... http://www.cma.gov.cn/2011xwzx/2011xqxxw/2011xqxyw... http://www.cma.gov.cn/2011xwzx/2011xqxxw/2011xqxyw... http://www.hinews.cn/news/system/2014/07/17/016805...